HỌC SINH TRƯỜNG THCS AN BÌNH NÓI KHÔNG VỚI “ PHÂN BIỆT VÙNG MIỀN”

Gần đây, vấn nạn phân biệt vùng miền xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội, trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Vấn nạn phân biệt vùng miền đã xảy ra được một thời gian với phạm vi, mức độ ngày càng lan rộng và nghiêm trọng hơn.

Phân biệt vùng miền luôn là vấn đề nhức nhối, không ngừng bị xã hội lên án và đưa ra các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, câu chuyện này vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có thể coi “vấn nạn” này là một căn bệnh, bởi nó không biến mất hoàn toàn, mà âm thầm tồn tại và có thể bùng lên bất cứ lúc nào.

vm1

Trước đây, phân biệt vùng miền chỉ thể hiện qua các hành động, lời nói, thái độ khi tiếp xúc với nhau ngoài cuộc sống, nhưng những năm gần đây, chúng xuất hiện cả trên các nền tảng mạng xã hội. Mới đây, trên nền tảng Tiktok, vấn đề này gần như là “trend” khi những comment “Parky”, “ Namkiki” xuất hiện với tần suất cao và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người.

vm2

Nguyên nhân của vấn nạn này, sâu xa, có thể bắt nguồn từ sự thiếu hụt về giáo dục, khi một số bạn trẻ có tư tưởng lệch lạc, thiếu hiểu biết và dễ bị kích động lại thích “đú trend”. Một số thì theo tâm lý đám đông, cho rằng chỉ hùa theo cho vui mà không màng đến hậu quả của nó. Nguy hiểm hơn, vấn nạn này sẽ tạo ra hiệu ứng lây lan, ảnh hưởng tiêu cực về tư tưởng đến các thế hệ sau, đến cả các em nhỏ, mới chỉ là những tờ giấy trắng.

vm3

 

Phân biệt vùng miền là một trong những nguyên nhân gây mất đoàn kết dân tộc. Đặc biệt, vấn nạn này ngày càng khó kiểm soát khi nó lan rộng trên mạng xã hội. Các thế lực thù địch có thể dễ dàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để chia rẽ nội bộ đất nước ta.

vm4

Hành vi phân biệt vùng miền có thể bị xử lý theo quy định của Pháp luật.  Người có hành vi này tùy theo mức độ mà hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu TNHS về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cụ thể, hình phạt đối với tội làm nhục người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Hơn nữa, người có hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), tùy theo mức độ mà mức hình phạt thấp nhất có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu:

– Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị – xã hội;

– Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

–  Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

Do đó, chúng ta cần phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt để không rơi vào “bẫy” phân biệt vùng miền. Chúng ta đều là anh em một nhà, sinh sống trên đất nước Việt Nam, cùng gọi nhau 2 tiếng thân thương “dân tộc”. Bắc, Trung, Nam là anh em một nhà!