Hãy lên tiếng về “Body shaming” trong học đường

Trong những năm gần đây, chúng ta đã tích cực trong việc tuyên truyền, phòng chống bạo lực học đường. Nhưng có mấy người biết đến “body shaming” – một hình thức bạo lực về tâm lý đang ngày càng có dấu hiệu lan rộng trong đời sống học đường.

body3

  1. Miệt thị ngoại hình là gì?

Miệt thị ngoại hình ( Body shaming) là thuật ngữ dùng để chỉ các lời nói, hành vi mang tính chất sỉ nhục, hạ thấp, phán xét, chê bai một cách ác ý về ngoại hình của người khác.

Theo các chuyên gia, nạn miệt thị ngoại hình có thể được bắt đầu từ những năm 1997. Lúc này ở một số quốc gia, vấn đề thực phẩm dần được giải quyết, cái ăn cái mặc dư dả hơn nên rất nhiều người trở nên to béo hơn trong khi tiêu chuẩn cái đẹp thời đó là những người có vóc dáng thanh thoát, mảnh mai và phải trắng trẻo. Những người có ngoại hình khác với thứ gọi là “quy chuẩn” của xã hội thì tự nhiên mặc định sẽ là người bị chỉ trích và bị người khác coi thường.

  1. Các hình thức miệt thị ngoại hình thường gặp

       a. Miệt thị người khác: Đây chính là hình thức miệt thị ngoại hình được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt là khi các trang mạng đang ngày càng phát triển và được mở rộng trên toàn thế giới.

       b.Miệt thị chính mình: Không ít các trường hợp tự miệt thị ngoại hình của chính bản thân. Thường thì những đối tượng này sẽ có tính cách nhút nhát, rụt rè, tự ti, mặc cảm về thân hình, vóc dáng, cân nặng hoặc bất cứ khuyết điểm nào trên cơ thể.

  1. Một số dạng miệt thì ngoại hình phổ biến:

       a. Miệt thị thân hình, vóc dáng: chỉ vào các khiếm khuyết như béo, lùn, gầy của người khác, thậm chí còn so sánh những người này với động vật hay đồ vật… Chẳng hạn “béo như heo”, “chân như cái cột đình”.. chính là những câu body shaming cực kỳ phổ biến.

       b. Miệt thị làn da: Nạn nhân của dạng này thường là những người có da quá đen, da nhiều mụn, da bị nám tàn nhang, đặc biệt dễ gặp ở phụ nữ hay các những người đang trong độ tuổi dậy thì dễ bị mụn.

        c. Miệt thị màu da: hay nói chính xác hơn chính là phân biệt chủng tộc. Phân biệt giữa người da đen và da trắng, da vàng chính ra nguồn gốc gây ra rất nhiều cuộc chiến về chủng tộc ở nhiều quốc gia.

        d. Face – shaming: chê bai các đường nét trên khuôn mặt người khác, chẳng hạn mặt quá to, mắt quá bé, mũi tẹt, miệng rộng, răng hô.. cũng chính là một dạng của miệt thị ngoại hình.

     4. Tác động của miệt thị ngoại hình gây ra hậu quả như thế nào ở lứa tuổi học đường?

Học sinh có thể nói là lứa tuổi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của nạn Body shaming. Bởi tuổi đời các em còn nhỏ, chưa có sức đề kháng trước các tác động tâm lí, nhất là tuổi dậy thì – độ tuổi mà tâm lý trở nên nhạy cảm nhất. Các em thường dễ bị tổn thương sâu sắc trước những lời đùa cợt về ngoại hình.

      a. Mức độ nhẹ: Nạn nhân có thể sẽ chỉ cảm thấy khó chịu, không thoải mái khi nghe được những lời chê bai ngoại hình của mình.

      b. Mức độ nặng hơn: Nạn nhân sẽ nhận nhiều cảm xúc tiêu cực, cực kỳ khó chịu, tức giận với những lời chê bai ngoại hình của mình.

      c. Mức độ đặc biệt nặng: Khi trở thành nạn nhân Body shaming, phần lớn các em chưa biết cách để giải quyết vấn đề, khiến những lời xúc phạm ngoại hình trở thành nỗi ám ảnh. Các em chăm chăm vào những khiếm khuyết trên cơ thể mình; từ đó trở nên tự ti, mặc cảm, thậm chí bị trầm cảm, có trường hợp học sinh đã tìm đến cái chế như một lối thoát. Như vậy, body shaming là hình thức bạo lực bằng lời nói, không chỉ là tổn hại tâm hồn mà nó còn có thể chấm dứt sinh mạng của một con người.

Ngày nay, với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, mạng xã hội lại trở thành một “nơi lí tưởng” cho những kẻ thích tấn công người khác, mà công cụ cụ thể là ngôn từ. Đó chính là một phương tiện khiến cho nạn Body shaming càng lan rộng và khó kiểm soát. Học sinh lại là những đối tượng tham gia và hoạt động trên mạng xã hội nhiều, vì vậy cũng trở thành số đông trong những nạn nhân của Body shaming

  1. Giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi miệt thị ngoại hình ở trường THCS An Bình 

body

– Học cách chấp nhận và hài lòng với bản thân:

+ Mỗi người sẽ sở hữu một vẻ đẹp và giá trị khác nhau, không ai có thể quyết định và phán xét về bản thân mình. Nếu bạn thấy bản thân còn đang sở hữu các khuyết điểm thì hãy cố gắng xây dựng và cải thiện nó một cách lành mạnh nhất.

+ Đồng thời, cần xây dựng cho mình một bức tường bảo vệ vững chắc bằng việc tin tưởng vào bản thân.

+ Thay vì cứ mãi để tâm đến những bình luận, phán xét tiêu cực của người khác thì bạn hãy bắt đầu tìm ra những ưu điểm, giá trị tiềm ẩn của chính mình để nâng cao sự tự tin.

– Học cách yêu thương bản thân nhiều hơn: Học cách yêu thương bản thân chính là cách tốt nhất để bạn vượt qua những nỗi sợ miệt thị ngoại hình. Hãy bắt đầu đầu tư vào việc chăm sóc bản thân để giúp bạn có được sự tự tin và biết trân quý cơ thể của chính mình.

– Hãy nói về cảm giác của mình: Khi bạn cảm thấy không thoải mái hoặc khó chịu vì những câu nói đó thì hãy nhanh chóng nói rõ cảm nhận của bạn hoặc tỏ thái độ cho đối phương biết rằng bạn hoàn toàn không thích những câu nói đùa như thế.

Chia sẻ và tìm sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô, gia đình: Khi bị miệt thị ngoại hình, bạn hãy chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, thầy cô, gia đình, chuyên gia tâm lí để thoát ra khỏi khủng hoảng tâm lí khi bị miệt thị ngoại hình.

Nói không với việc miệt thị ngoại hình người khác: Không miệt thị ngoại hình người khác, lên tiếng khi nhìn thấy người khác bị miệt thị ngoại hình

Hãy lên tiếng để Body shaming không còn là vấn nạn học đường.